Cổng thông tin điện tử huyện U Minh Thượng

TIN TỨC SỰ KIỆN

Xem với cỡ chữAA

Chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng

(09:45 | 16/05/2023)

Chiếc võng được mắc bên hiên nhà là nơi mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Xứng (92 tuổi), ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng, thường hay nằm hưởng gió trời trong những ngày nắng nóng. Dù đã cao tuổi nhưng mẹ Xứng còn rất mạnh khỏe và minh mẫn, mẹ xúc động nhắc lại chuyện 2 người con trai đầu lòng đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Năm 19 tuổi, mẹ Xứng lấy chồng, đến năm 20 tuổi, mẹ Xứng sinh con trai đầu lòng là anh Phan Văn Cháp. 2 năm sau, mẹ sinh anh Phan Văn Bảnh. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn nhà của mẹ nằm trong vùng căn cứ cách mạng. Dù giặc ném bom xăng cháy nhà đến tận 3 lần, nhưng mẹ vẫn kiên quyết không bỏ xóm, bỏ làng, mẹ ở lại để che chở, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng. Mẹ Xứng kể: “Ba của sắp nhỏ thì đi làm giao liên, tôi ở nhà làm ruộng, chà gạo nuôi chứa chiến sĩ hoạt động cách mạng. Những khi giặc càn quét lùng sục, bỏ bom, tôi đưa các con xuống hầm trốn. Có những gia đình trốn không kịp, bị giặc ném bom chết cả nhà, do đó mà người dân ai cũng căm thù giặc".

Nung nấu lòng căm thù giặc, các người anh, em trai của mẹ Xứng tham gia hoạt động cách mạng với niềm tin sắt son vào Đảng, quyết tâm giải phóng quê hương, đất nước. Nhưng các anh và mẹ chưa hưởng được niềm vui đất nước hòa bình thì cả 3 người đã anh dũng hy sinh. Căm thù bọn giặc ác ôn, nên khi con trai đầu lòng Phan Văn Cháp mới 16 tuổi, mẹ đã đồng ý cho con tham gia hoạt động cách mạng ở huyện Vĩnh Thuận. 1 năm sau, anh Cháp rời Vĩnh Thuận đi bộ đội, lúc ấy mẹ cũng không rành con theo đơn vị nào. 2 năm sau, anh Bảnh cũng xin mẹ đi hoạt động cách mạng, mẹ cũng mạnh mẽ bảo: “Con hãy vững tin lên đường đánh giặc cứu nước, mẹ tin quê hương mình sẽ sớm giải phóng".

Tiễn con trai lên đường vào cuộc chiến chống giặc, mẹ Xứng biết rõ con mẹ sẽ đối mặt với mưa bom, lửa đạn, có thể sẽ hy sinh. Dù vậy mẹ vẫn nén nước mắt để con an tâm chiến đấu. Mẹ Xứng nhắc: “Tôi nhớ năm đó, thằng Cháp và thằng Bảnh về hoạt động ở Giồng Riềng, có rước tôi về đó ăn tết cùng hai đứa. Đó là lần đầu tiên tôi gặp lại thằng Cháp sau 3 năm con đi hoạt động cách mạng…". Nói tới đó, mẹ Xứng nghẹn ngào, bởi niềm vui nào có trọn vẹn, 2 tháng sau tết thì mẹ Xứng nhận được tin báo anh Cháp đánh trận sân bay Trà Nóc, khi về ngang lộ lộ Vòng Cung ở Cần Thơ thì anh hy sinh. Mẹ tức tốc đi lên Cần Thơ tìm thi thể của con nhưng mãi vẫn không tìm được. “Tới nay vẫn không tìm được hài cốt của thằng Cháp. Nó hy sinh vào ngày 22/4 âm lịch khi mới 20 tuổi, khi chưa vợ, chưa con, chưa có người yêu, không được gặp gia đình lần cuối…", mẹ Xứng nghẹn ngào.

Trải qua bao gian khó, mẹ Xứng được hưởng ngày quê hương giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, người con trai Phan Văn Bảnh của mẹ đã anh dũng hy sinh vào năm 1977 ở biên giới Hà Tiên khi mới 23 tuổi. Trước đó, anh Bảnh mới tuyên bố kết hôn chứ chưa kịp tổ chức đám cưới. Nỗi đau tiếp nối đến với người mẹ, tưởng mẹ Xứng đã gục ngã nhưng mẹ vẫn cố gắng gạt niềm đau nuôi 8 người con khôn lớn. Mẹ là điểm tựa, niềm động viên cho con, cháu noi theo về truyền thống cách mạng, tinh thần quật khởi.

Chị Hồ Kim Tíu, con dâu út của mẹ Xứng, nói: “Mẹ hay kể chuyện về hai người anh, nhất là những ngày đám giỗ mẹ lại khóc, nhớ các anh. Kể chuyện về các anh, mẹ dạy con cháu trong nhà phải sống cho đàng hoàng, cố gắng làm ăn. Nghe lời dạy của mẹ, chúng tôi chăm lo cho các con, hiện hai đứa con của tôi, cháu nội của mẹ đều công tác trong ngành công an. Con của chị thứ bảy thì làm thi hành, con của chị thứ tám cũng làm công an. Coi như con, cháu trong nhà đều cố gắng làm ăn, học hành đàng hoàng để mẹ vui lòng".

Dù những nỗi đau vẫn còn đó, nhưng mẹ Xứng vẫn giữ ý chí kiên cường, tinh thần lạc quan, mẹ bảo: “Sống vui, sống khỏe, làm điểm tựa  cho con, cháu yên lòng". Mẹ vẫn giữ thói quen thức sớm, ăn sáng đều đặn và phụ giúp con, cháu tưới những khóm hoa quanh nhà, điểm tô cho cuộc sống thêm niềm vui.

Bảo Đô